399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn làm giấy khai sinh cho 2 cháu bé
Ngày (9/1/2014) là ngày tròn 1 tháng tuổi của cặp song sinh Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải. Ngày này 1 tháng trước, cháu Đức và Hải đã cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong niềm hành phúc vô bờ của người thân và cả sự ngỡ ngàng của các y bác sỹ.
Đức và Hải là những cháu bé đầu tiên ở Việt Nam ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mà phôi thai được hình thành từ trứng của mẹ và tinh trùng người bố đã mất 4 năm trước đó.
Chị Dung cùng 2 con khi mới sinh tại bệnh viện. |
Nhân ngày các cháu tròn 1 tháng tuổi, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam một lần nữa đã hỏi thăm và chúc mừng gia đình các cháu bé.
Trao đổi với phóng viên, mẹ cặp song sinh đặc biệt này, chị Hoàng Thị Kim Dung cho biết, 1 tháng qua, 2 cháu phát triển khỏe mạnh như bao đưa trẻ bình thường khác. Sức khỏe của bản thân chị Dung cũng đã dần hồi phục sau ngày sinh nở.
Liên quan đến thủ tục làm giấy khai sinh cho các cháu bé, chị Dung cho biết, hôm nay, phía UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã chủ động gọi điện cho gia đình thông báo việc đăng ký khai sinh đã hoàn tất. Ngay sau đó, gia đình chị Dung đã tới nhận giấy khai sinh của các cháu.
Trước đó ông nội 2 cháu đã gửi hồ sơ tới chính quyền địa phương và được hẹn tới ngày 7/1 vừa qua sẽ có kết quả. Tuy nhiên, chị Dung cho biết, hôm đó phía chính quyền thông báo là trên Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn xuống nên tới hôm nay thủ tục làm giấy khai sinh cho các cháu mới được hoàn thành.
Bệnh viện Nhà nước từng từ chối trường hợp của vợ chồng chị Dung?
Như báo Giáo Dục Việt Nam đã thông tin, 4 năm trước, thời điểm chồng chị Dung bị tai nạn qua đời, chị quyết định gọi điện cho TS.BS Lê Vương Văn Vệ (Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) nhờ tới phẫu thuật tử thi để giữ lại tinh trùng chồng sau này làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Liên quan đến sự việc trên, chị Dung cho biết, trước khi liên hệ với bác sỹ Vệ, chị có liên hệ với một bệnh viện lớn tại Hà Nội để nhờ làm việc này, tuy nhiên chị đã bị từ chối. “Tôi không trực tiếp đến được (đây là thời điểm ngay khi chị Dung được tin chồng mất – PV). Nhưng vợ chồng bạn tôi có đến và nói lại là dù đã cố gắng thuyết phục nhưng vẫn bị từ chối,” chị Dung cho biết.
Theo lời chị Dung, sau đó chị tình cờ biết đến bác sỹ Vệ và đã liên hệ với vị bác sỹ này.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, TS.BS Lê Vương Văn Vệ cho biết, hiện ở nước ta có khoảng 16 bệnh viện, cơ sở làm về lĩnh vực hiếm muộn, trong đó có thụ tinh trong ống nghiệm. Riêng ở phía Bắc thì bện viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội là cơ sở tư nhân duy nhất làm về lĩnh vực này. Tại Hà Nội có một số đơn vị lớn làm về lĩnh vực này như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Trung tâm Công nghệ phôi – Học viện Quân y 103…
Về câu chuyển xảy ra vào 4 năm trước, ông Vệ cho biết, vào ngày 20/3/2010, ông bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại lạ đề nghị tới khu vực Thanh Trì để lấy tinh trùng người đã mất để sau này làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau cuộc điện thoại đó, ông Vệ lập tức chuẩn bị thiết bị chuyên dụng và đi tới hiện trường theo chỉ dẫn. Sau đó ông phẫu thuật, lấy mẫu tinh trùng đem về lưu trữ tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội theo phương pháp khoa học.
Ông Vệ cũng cho biết, vào thời điểm đó bệnh viện của ông chưa tiến hành nhưng đã có kế hoạch làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tới đầu năm 2013, sau 3 năm chịu tang chồng và đứa con gái đầu lòng cứng cáp hơn, chị Dung đã tới bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và đã được bác sỹ vệ cùng đồng nghiệp sử dụng tinh trùng của chồng chị được lưu giữ trước đo, tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Tới ngày 9/12/2013 vừa qua thì chị Dung sinh hạ được 2 bé trai khỏe mạnh.
“Ngay từ khi nhận được cuộc điện thoại lạ đó tôi đã nhận thấy đây là một ca đặc biệt. Vì vậy, tất cả mọi việc từ giảm chi phí dịch vụ cho chị Dung, tiến hành thụ tinh, theo dõi sự phát triển của thai nhi, hỗ trợ chăm sóc cho các cháu bé khi chào đời, … đã được lên kế hoạch từ đầu,” ông Vệ cho biết.
Cũng theo ông vệ, sau khi cặp song sinh đặc biệt ra đời, được sự đồng ý của gia đình, ông đã nhận làm bố đỡ đầu của các cháu. Được biết phía bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ gia đình nuôi dưỡng cặp song sinh đặc biệt này trong tương lai.
Hiện tại, theo chị Dung cho biết, sau khi sinh con, mẹ con chị nằm viện 4 ngày rồi trở về nhà. Thời điểm đó, bác sỹ Vệ cũng đã đến thăm mẹ con chị. Từ đó đến nay, phía bệnh viện Nam học và Hiếm muộn nay bác sỹ Vệ làm Giám đốc vẫn hỗ trợ hoàn toàn sữa cho các cháu.